Giáo dục Giáo_dục_khoa_cử_Đàng_Ngoài_thời_Lê_trung_hưng

Các chúa Trịnh cho duy trì hệ thống trường học từ trung ương đến địa phương vốn có từ thời Lê Sơ, trong đó trung tâm vẫn là Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám tiếp nhận các học trò từ khắp nơi ở Đàng Ngoài có đủ năng lực học tập. Thời Lê trung hưng vẫn duy trì việc bài trừ con những người phạm tội và con nhà hát xướng không được thi cử[1].

Năm 1652, nhà Thái học bị đổ nát, triều đình giao cho Thượng thư Bộ Lễ là Phạm Công Trứ sửa chữa. Sau đó, triều đình duy trì lệ hàng tháng vào ngày rằm và mùng một triệu tập các Nho sinh đến hội họp và làm văn để tăng thêm phong khí Nho gia, có sự tham dự bình văn của các quan Tham tụng, Bồi tụng[2].

Sang đầu thế kỷ 18, triều đình chú trọng hơn đến việc hỗ trợ vật chất cho trường học các địa phương. Năm 1723, chúa Trịnh Cương ban hành quy định cấp ruộng cho các trường học, gọi là học điền theo các mức: trường Quốc học 60 mẫu, trường Hương học 16 - 20 mẫu tùy vào quy mô từ nhỏ đến lớn. Hoa lợi từ ruộng được mang chi dùng vào việc đèn dầu trong học tập.

Giữa thế kỷ 18, các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài nổ ra, nền giáo dục có phần suy sút.